Truyện chữ: Người thành công không đọc sách tạp nham

Nhiều người đọc hàng trăm quyển sách nhưng không biết vận dụng và vẫn thất bại, trong khi có người chỉ đọc một quyển sách cũng có thể thành công.

Chia sẻ xung quanh câu chuyện "đọc sách nhiều nhưng thiếu trải nghiệm", nhiều độc giả bày tỏ quan điểm cho rằng đọc sách quan trọng chất lượng hơn số lượng:

Bản thân tôi thuộc thế hệ cuối 8x, là một người thích đọc từ nhỏ: từ trang báo Nhi đồng, cuốn truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh, cho đến những cuốn tiểu thuyết dày như "Hòn đất" của Anh Đức, "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán hay những tác phẩm kinh điển của nước ngoài... Tuy nhiên, trong suy nghĩ của mình, tôi chưa bao giờ có khai niệm đọc sách mang đến thành công. Sách chỉ mang đến nội dung tinh thần phong phú, góc nhìn, suy nghĩ đa chiều, làm cho nội tâm chúng ta sâu sắc hơn, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta thành công hơn, giỏi hơn những người ít đọc hoặc chỉ đọc những gì cảm thấy cần thiết.

Đọc sách cũng mang đến cho tôi vốn từ vựng phong phú hơn, cách cư xử, cách sống và sự đồng cảm, chia sẻ nhiều hơn đối với người khác, nhưng đôi khi cũng mang đến cho chúng ta một tâm hồn đa cảm và có thể là nhạy cảm, nhiều suy nghĩ... Theo quan điểm của tôi, đọc sách là tốt, nhưng để thành công, kiến thức từ sách mang đến phải được kết hợp với sự trải nghiệm thực tế của bản thân, năng lực, đầu óc và một phần may mắn.

Vấn đề là các bạn đọc sách gì:

1. Tiểu thuyết, truyen chu ngắn: không tính là sách học. Đó cũng là một hình thức giải trí như xem tivi. Các bạn đừng liệt kê năm nay tôi đọc quyển này, quyển kia rồi nghĩ rằng đọc nhiều sách là tốt hơn những người xem phim ảnh, báo chí. Nếu các bạn lập luận sách giúp trau dồi ngôn ngữ, cách viết câu... thì tôi đồng ý, nhưng còn tùy thuộc vào tác giả hoặc dịch giả quyển sách ấy. Nói chung, về giải trí, chỉ là tuỳ hình thức tiếp nhận chứ không có phương tiện nào cao cấp hơn phương tiện nào.

2. Không phải bạ đâu, sách nào cũng đọc: chỉ đọc sách do các tác giả uy tín hoặc do người uy tín giới thiệu. Nếu bạn có thời gian để đọc thì cứ đọc. Nhưng chỉ có giới hạn thời gian thì nên chọn lựa cách đọc. Sách là nhân sinh quan của tác giả, nếu bạn đủ khả năng và trải nghiệm thì đọc thoải mái không sao. Nếu bạn còn non thì nên đọc sách có uy tín để chắc chắn kiến thức mình nhận được không sai lầm.

3. Một quyển sách không cần đọc hết từ đầu tới cuối: mỗi quyển sách có vài phần là hay, đúc kết của tác giả; phần còn lại thường không cần thiết. Tôi đã xem một vài người tài năng trong xã hội, một ngày họ đọc khoảng 10 quyển. Chủ yếu họ đọc lướt, vắn tắt. Nếu cảm thấy quyển nào hay, phần nào hay, họ mới đọc kỹ hơn.

Đọc nhanh, đọc lướt là cách nắm bắt thông tin được coi là tốt hiện nay. Một quyển sách mấy trăm trang, sách nghiên cứu cả nghìn trang cũng có, nếu cứ đọc chi tiết thì bao giờ mới xong, thời gian đâu mà làm cái khác? Vì vậy, họ sinh ra những sách dạy đọc nhanh, đọc kiếm thông tin. Khi cảm thấy ổn, bạn mới nên đọc kỹ lại. Một nội dung nếu thật sự tốt sẽ phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấm được.

4. Quan trọng là đọc đi đôi với hành: có rất nhiều người đọc các quyển sách dạy kỹ năng, thấy hay gật gù nhưng lại không thực hành. Vậy cũng coi như chưa đọc.

'Đọc càng nhiều sách càng tốt'

Sách là một phạm vi rộng lớn. Đọc sách là tốt nhưng phải đảm bảo các yếu tố:

1. Đọc sách để làm gì? (Tăng kiến thức cho chuyên môn mình theo đuổi, đọc cho vui, hay chỉ đọc cho sang?).

2. Sách nên đọc là cuốn nào? (Tác giả nào viết, người đó có thực sự giỏi hay không, cuốn sách đó được nhiều người đánh giá cao không...?).

3. Bạn học được gì từ cuốn sách? (Sách hay nhưng nếu không áp dụng vào thực tế, áp dụng cho bản thân thì cũng vô ích).

Đọc sách nhiều mà không thực hành cũng không giúp được gì. Tôi thấy nhiều người mua hàng chục quyển sách nói về đường tới thành công về đọc nhưng cũng chẳng bằng người đọc một quyển. Vì quyển nào nội dung cũng gần giống nhau, muốn thành công thì phải cố gắng nỗ lực, biết nắm bắt cơ hội, đặt mục tiêu...

Vấn đề là bạn đọc hàng chục quyển, bạn hiểu được muốn thành công phải làm thế nào, nhưng bạn có áp dụng đâu? Còn người thành công, họ chỉ cần đọc một quyển rồi đứng dậy, bắt tay vào việc ngay.

Trước kia, chúng ta còn thiếu thốn, thiếu sách để đọc, nhưng giờ đây, sách và điều kiện để mua được những cuốn sách ưu thích là rất dễ dàng. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta cũng không hứng thú gì với việc đọc sách. Tôi nói đây là những người sống, làm việc có liên quan đến bút, sách, điều kiện làm việc có thời gian đọc sách. Còn những người lao động chân tay, điều kiện hạn hẹp, môi trường cực nhọc thì họ càng không có điều kiện thậm chí là nghĩ và tưởng tượng đến việc cầm cuốn sách để đọc.

Và một vấn đề nữa trong việc đọc sách nói riêng và việc phát triển kiến thức trong lúc này của xã hội, là đều bị các thiết bị công nghệ xâm chiếm. Đây không phải lỗi do các thiết bị công nghệ mà là do người dùng, người ta đã không hiểu rõ về nó mà dùng. Khi bạn thực sự mong muốn và có nhu cầu thì bạn sẽ biết cách tìm đến, sẽ biết cách tiếp cận (ý muốn học hỏi) không cứ gì trong sách vở, thậm chí là ở trong thực tế.

Có nhiều người đọc sách nhiều đến nỗi người ta gọi là "mọt sách". Họ rất đáng ngưỡng mộ về sự kiên trí, về tinh thần học hỏi, phát triển kiến thức. Nhưng nếu bạn không vận dụng được những kiến thức mình đã đọc trong sách vào trong thực tiễn thì "học không đi đôi với hành". Khi đó, việc đọc gần như phí phạm, thậm chí là gây hại vì nó làm cho ta ảo tưởng. Vì lẽ đó, đọc nhiều là tốt nhưng chỉ tốt khi đọc để sử dụng được vào trong thực tiễn, phát huy và khai sáng cái mình đọc.